Thiết kế Quốc_kỳ_Úc

Các bộ phận cấu thành
Quốc kỳ Úc
Chòm sao Nam Thập Tự
Sao Thịnh vượng chung

Quốc kỳ Úc sử dụng ba biểu tượng nổi bật: Hiệu kỳ Liên minh, sao Thịnh vượng chung (cũng gọi là sao Liên bang) và Nam Thập Tự.[5]

Khi được sử dụng làm quốc kỳ của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, bản thân Hiệu kỳ Liên minh gồm ba chữ thập huy hiệu học đại diện cho các quốc gia cấu thành của Anh Quốc:[6]

  • Chữ Thập Thánh George màu đỏ của Anh
  • Chữ Thập chéo Thánh Andrew màu trắng của Scotland
  • Chữ Thập chéo Thánh Patrick màu đỏ của Ireland

Tại Úc, Hiệu kỳ Liên minh tượng trưng hóa cho lịch sử quốc gia này là sáu thuộc địa và các nguyên tắc mà Liên bang dựa trên,[5][7] song một quan điểm có tính chất lịch sử hơn thì cho rằng việc có hình tượng này trong thiết kế là để biểu thị lòng trung thành với Đế quốc Anh.[8]

Sao Thịnh vượng chung nguyên chỉ có sáu cánh, đại diện cho sáu thuộc địa tham gia liên bang hóa. Tuy nhiên, cải biến xảy ra vào năm 1908 khi một cánh thứ bảy được thêm vào để tượng trưng cho Lãnh thổ Papua và bất kỳ lãnh thổ nào trong tương lai.[5][9] Lý do căn bản khác của việc cải biến là để hợp với sao được sử dụng trong Quốc huy- được tạo thành cùng năm. Sao này cũng được gọi là Sao Liên bang.[10] Về chính thức, sao Thịnh vượng chung không có bất kỳ liên hệ gì đến hệ thống sao Beta Centauri, bất chấp vị trí của sao trên bầu trời và độ sáng của nó; tuy nhiên phiên bản năm 1870 của hiệu kỳ Nam Úc thể hiện các sao chỉ Alpha và Beta Centauri.[11][12]

Nam Thập Tự là một trong các chòm sao đặc biệt nhất có thể trông thấy tại Nam Bán cầu,[5] và được sử dụng để biểu thị cho Úc từ những ngày đầu người Anh đến định cư.[5] Một trong những người thiết kế quốc kỳ Úc là Ivor Evans định dùng Nam Thập Tự để ám chỉ bốn đức tính được Dante Alighieri quy cho bốn sao: công chính, cẩn thận, tiết chế và kiên nhẫn.[13] Số cánh của các sao của Nam Thập Tự trên quốc kỳ Úc ngày nay khác biệt so với phiên bản thiết kế dự thi nguyên bản, khi đó mỗi sao có từ năm đến chín cánh, tượng trưng cho độ sáng tương đối của chúng trên bầu trời ban đêm.[5] Các sao được đặt tên theo năm chữ cái trong bảng chữ cái Hy Lạp, theo thứ tự giảm dần độ sáng trên bầu trời.[14] Nhằm giản đơn hóa việc chế tạo, Bộ Hải quân Anh tiêu chuẩn hóa mỗi một trong bốn sao lớn có bảy cánh, sao nhỏ gần trung tâm hơn có năm cánh. Cải biến này chính thức được đăng trong công báo vào ngày 23 tháng 2 năm 1903.[5]

Một bản ghi chi tiết kỹ thuật đầy đủ của thiết kế hiện nay được công bố trong Commonwealth Gazette vào năm 1934.[15]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Quốc_kỳ_Úc http://home.alphalink.com.au/~eureka/ozflag.htm http://www.ausflag.com.au/south_australia_1870-187... http://www.theage.com.au/articles/2002/11/15/10370... http://www.austlii.edu.au/au/legis/cth/consol_act/... http://www.anbg.gov.au/oz/flag-similar.html http://parlinfoweb.aph.gov.au/piweb/TranslateWIPIL... http://www.aph.gov.au/Parliamentary_Business/Bills... http://www.aph.gov.au/Parliamentary_Business/Bills... http://www.aph.gov.au/binaries/senate/pubs/pops/po... http://www.foundingdocs.gov.au/item.asp?dID=20